Báo cáo Chỉ số Kết nối Toàn cầu (GCI 2020) của Huawei cho biết, Việt Nam hiện đứng thứ 55 về chuyển đổi số với 41 điểm. Qua đó, từ nhóm nước khởi động (starters), Việt Nam đã vươn lên có mặt trong nhóm nước đang triển khai (adopters) số hóa.
Theo báo cáo, các quốc gia được đánh giá, bao gồm 79 nước đại diện cho 95% tổng GDP chung của thế giới và 84% dân số toàn cầu đều tăng điểm GCI kể từ năm 2015. Trong đó, nhóm nước khởi động về chuyển đổi số cho thấy mức độ tăng trưởng kép hàng năm cao nhất (4,95%), tiếp theo là nhóm đang triển khai (4,58%) và sau cùng là nhóm nước dẫn đầu (3,38%). Như vậy, nhóm nước khởi động đang dần bắt kịp với những nhóm phát triển hơn.
Điều này được lý giải bởi sự tiến bộ đáng kể của nhóm quốc gia khởi động trong phạm vi phủ sóng băng thông rộng. Mức độ thâm nhập băng thông rộng di động ở những quốc gia nói trên tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015, thậm chí một số quốc gia gần đạt 100%.
Thêm nữa, giá cả dịch vụ băng thông rộng di động đã giảm 25% trong 5 năm và dần trở nên hợp lý hơn. Việc truy cập mạng internet nhờ đó được tăng cường, thúc đẩy thương mại điện tử với doanh thu tăng gần gấp đôi vào năm 2019 so với năm 2014.
“Một số quốc gia đã được chuyển lên nhóm nước đang triển khai số hóa từ nhóm nước mới khởi động cho quá trình chuyển đổi số, bao gồm Việt Nam và Peru. Điểm GCI của những nước này tăng tới 17% và vẫn đang cố gắng nâng GDP lên mức cao hơn so với những quốc gia cùng nhóm”, theo báo cáo.
Mặt khác, nghiên cứu chỉ ra rằng các quốc gia đầu tư nhiều vào công nghệ thông tin-truyền thông (ICT) sẽ có GDP bình quân đầu người cao hơn đáng kể những quốc gia khác. Bởi khi đó, quá trình chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn, đem đến hiệu quả và tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những cú sốc. Đặc biệt là trong đại dịch, mức suy giảm GDP bình quân đầu người của các nước nói trên ước tính thấp hơn khoảng 50% so với các nền kinh tế GCI mới nổi. Nói cách khác, chuyển đổi số đã giảm một nửa tác động tiêu cực từ đại dịch lên GDP.